Ngày đầu tiên đến với ngôn ngữ ký hiệu,ẹhọcngônngữkýhiệuđểtâmsựvớicôcongáiđiếtỷ lệ cá cược chị Nguyễn Hồng Nghĩa (48 tuổi, ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) quên sạch ngay sau buổi học. Chị kể lại, lúc ấy đôi tay cứng đờ, mặt không chút biểu cảm nhưng chị quyết tâm không bỏ cuộc.
Nguyễn Kim Quỳnh Giao (16 tuổi) là con đầu lòng của vợ chồng chị Nghĩa. Cô bé là người điếc bẩm sinh. Từ năm 4 tuổi, Giao được mẹ cho lên TP.HCM học Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng (Q.Bình Thạnh). Những năm Giao học ở thành phố, chị Nghĩa thuê trọ, nhờ mẹ ruột và mẹ chồng thay phiên nhau lên chăm cháu. Cứ đến cuối tuần, Giao lại về thăm nhà.
Ở trường Hy vọng, Giao học 2 năm 1 lớp nên năm nay cô bé chỉ mới bắt đầu cấp 2 trong khi các bạn đồng trang lứa lên cấp 3.
"Ngôn ngữ ký hiệu rất khó"
Mùa dịch Covid-19, Giao được về nhà một thời gian dài. Cũng từ đây, chị Nghĩa nhận thấy có một khoảng cách lớn giữa Giao và các thành viên trong gia đình.
Chị tâm sự, lúc nhỏ Giao rất lanh lợi, hoạt bát nhưng giờ chỉ muốn một mình. Linh cảm của người mẹ cho chị biết, Giao gặp khó khăn và hạn chế vì không có người đồng hành. "Con khép mình, không trò chuyện với ai kể cả mẹ", chị Nghĩa chia sẻ.
Chị Nghĩa học trò chuyện với con bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Một lần tình cờ, chị Nghĩa xem được chương trình âm nhạc online do một nghệ sĩ khiếm thị tổ chức. Người phụ nữ bất ngờ vì biết được mọi người ở khắp nơi có thể cùng kết nối, tham gia chương trình và mạnh dạn phát biểu rất sôi nổi.
Người khuyết tật có một cộng đồng lớn, cùng giao lưu chia sẻ nhiều điều rất tự tin. Nhìn lại, chị nhận thấy nhiều năm qua đã hạn chế bản thân và cả con gái trong việc giao lưu học hỏi từ bên ngoài.
Nhờ sự giới thiệu, chị Nghĩa tìm đến cô giáo dạy ngôn ngữ ký hiệu Trần Thị Oanh (32 tuổi, ở TP.HCM) để giúp Giao tự tin hơn.
Giao là một cô bé rất ngoan, tiếp thu tốt nhưng còn rụt rè. Trên lớp em rất ít bạn, về nhà không trò chuyện với ai và chỉ thích xem điện thoại. Giao học được một thời gian ngắn thì quay lại trường. Từ đó, chị Nghĩa cũng bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu, mong có thể tâm sự nhiều hơn với con.
"Nhận ra vấn đề của cả 2 mẹ con nên chị ấy học nhiệt tình, chăm chỉ và tiếp thu khá nhanh", cô giáo Oanh chia sẻ.
Cô Oanh cho biết, người mẹ có đôi tay không khéo léo, các ngón điều khiển theo ý rất khó khăn. Những buổi đầu, các ngón tay không co gập được nên việc luyện chữ, số rất vất vả. Ngôn ngữ ký hiệu kết hợp điệu bộ, biểu cảm trên khuôn mặt rất nhiều nên quá trình học lại càng gian nan.
Chị Nghĩa tâm sự chị thuộc kiểu người khép kín. Có một người con khuyết tật cũng khiến người mẹ chịu nhiều tổn thương trong tâm hồn. Việc bộc lộ nhiều biểu cảm trên khuôn mặt với đủ sắc thái với chị là rất khó khăn. Tuy nhiên, với tình thương vô bờ bến dành cho con, chị nỗ lực theo học và chưa bao giờ có ý định bỏ ngang.
"Lúc đầu, đôi khi vì quá tập trung vào đôi tay, cố diễn đạt các ký hiệu nên mặt tôi rất căng thẳng, học trước quên sau", chị Nghĩa cười kể lại.
Mong các phụ huynh khác có thêm động lực
Bây giờ, đôi tay người mẹ đã khéo léo hơn. Chị còn đăng ký tiếp các khóa luyện giọng biểu cảm để học thêm.
Trước đây, mỗi khi Giao cần gì, em thường lên mạng tìm hình ảnh rồi ra dấu để mẹ hiểu, dẫn mình đi mua. Giờ đây, em không cần làm cách đó nữa. Người mẹ cũng chủ động hỏi xem con cần gì và trao đổi, bàn bạc trước khi quyết định. Khi gặp những người điếc khác, chị Nghĩa cũng có thể trò chuyện, trao đổi được những thông tin cơ bản.
Vì thường quên nội dung ngay sau khi kết thúc buổi học online nên chị Nghĩa nghĩ ra cách quay video để ôn bài. Ngôn ngữ ký hiệu có đặc thù là khó ghi lại trên giấy. Nhờ những video, người mẹ có thể ôn tập bất cứ lúc nào. Việc học ngôn ngữ ký hiệu của chị vì thế cũng tiến bộ nhanh hơn.
Không giữ cho riêng mình, người mẹ đăng các video bài học lên mạng xã hội, chia sẻ đến cộng đồng. Chị muốn lan tỏa lợi ích, niềm vui học ngôn ngữ ký hiệu đến những phụ huynh có con là người điếc.
Những lần gọi điện cho con gái đang ở ký túc xá của trường, chị thấy con khoe với bạn cùng phòng mẹ mình đang học ngôn ngữ ký hiệu. "Giao thấy mẹ học ngôn ngữ ký hiệu, con có vui không?", chị Nghĩa hỏi. Rồi cô bé ra hiệu: "Dạ vui".
Chị Nghĩa tâm sự ba mẹ là người có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con. Nhưng trước đây, chị đã lỡ mất quá nhiều thời gian để học cách hiểu con.
"Vì thế, tôi hy vọng những video của mình sẽ trở thành nguồn cảm hứng để những phụ huynh có con là người điếc thêm động lực học ngôn ngữ ký hiệu. Các con sẽ trải lòng mình nhiều hơn để gia đình thêm gắn kết", chị Nghĩa nói.